Dịch hại trên cao su và cách phòng chống hiệu quả

Tổng hợp các loại dịch hại trên cao su. Từ bệnh lá, thân, mặt cạo đến cô trùng gây hại. Cách phòng trị, những biện pháp hạn chế ảnh hưởng của dịch hại trên cây cao su.

Nguyên tắc quản lý dịch hại trên cây cao su

  • Nguyên tắc số một trong công tác quản lý dịch hại trên cây cao su là “phòng bệnh”. Đây là yếu tố quan trọng nhằm giảm thiểu tối đa chi phí phòng trị khi dịch hại xảy ra. Đặc biệt với những bệnh có tính thời điểm như bệnh phấn trắng hay corynespora.
  • Cân nhắc về chi phí lợi nhuận khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phòng trị dịch bệnh trên cây cao su.
  • Chỉ sử dụng các thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã được khảo nghiệm trên cây cao su.
  • Áp dụng đúng 4 nguyên tắc đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng
    lúc, đúng cách khi sử dụng thuốc BVTV.

Phân loại dịch hại trên cây cao su

Dịch hại trên cây cao su được phân loại theo vị trí gây hại. Như dịch hại trên lá, thân cành, mặt cạo, gốc rễ.

Bệnh trên tán lá cây cao su

Dịch hại trên cây cao su đặc biệt là trên tán lá có ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Trực tiếp đến năng suất ở vườn cây khai thác, sinh trưởng ở vườn cây KTCB. Các bệnh chính trên lá có thể kể đến như Bệnh phấn trắng, Bệnh héo đen đầu lá, Bệnh rụng lá mùa mưa, Bệnh Corynespora, Cháy nắng, Rét hại, Ngộ độc thuốc.

Bệnh phấn trắng

  • Tác nhân: Do nấm Oidium heveae Steinm.
  • Phân bố: Khắp các vùng trồng cao su, tập trung vào mùa thay lá hàng năm.
  • Tác hại: Bệnh gây rụng lá non và hoa cao su trên mọi lứa tuổi.
  • Triệu chứng: Trên lá bị bệnh có nấm màu trắng ở hai mặt lá. Các dòng vô tính bị nhiễm bệnh nặng là VM 515, PB 235, PB 255, RRIV 4, GT 1…
Bệnh phấn trắng trên cây cao su
  • Xử lý: Sử dụng các thuốc có hoạt chất hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) 0,2%; hoặc diniconazole (Sumi-Eight 12,5WP) 0,05% – 0,1%. Pha kết hợp với chất bám dính BDNH 2000 0,2%. Liều lượng phun 400 – 700 lít/ha. Phun 2 lần, với chu kỳ 10 ngày/lần. Phun thuốc trong khoảng thời gian trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối). Phun thuốc lần đầu khi khoảng 10% – 15% số cây trên vườn có lá non nhú chân chim, lá chưa nhiễm bệnh hoặc mới nhiễm ở mức rất nhẹ.

Bệnh héo đen đầu lá

  • Tác nhân: Do nấm Colletotrichum gloeosporioides (Penz.) Sacc.
  • Phân bố: Bệnh xuất hiện vào mùa mưa.
  • Tác hại: Bệnh gây hại cho lá non, chồi non trên vườn nhân, vườn ương và vuờn kiến thiết cơ bản, có thể dẫn đến chết chồi và chết ngọn.
  • Triệu chứng: Bệnh gây rụng lá non dưới hai tuần tuổi, lá già không rụng thì méo mó, mặt lá gồ ghề. Bệnh gây khô ngọn, khô cành từng phần hoặc chết cả cây. Các dòng vô tính nhiễm bệnh nặng là RRIM 600, GT 1, PB 255, RRIV 1, RRIV 3, RRIV 4…
Bệnh héo đen đầu lá trên cây cao su
  • Xử lý: Sử dụng thuốc có hoạt chất hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) 0,2%. Pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 0,2%. Chỉ xử lý trên vườn kiến thiết cơ bản năm 1 vào mùa mưa dầm. Phun thuốc lên lá non khi có 10% cây có lá nhú chân chim, ngừng phun khi 80% cây có tầng lá ổn định, với chu kỳ 7 – 10 ngày/lần vào buổi sáng ít gió.

Bệnh rụng lá mùa mưa

  • Tác nhân: Do nấm Phytophthora botryosa CheeP. palmivora (Bult.) Bult.
  • Phân bố: Bệnh xảy ra trong mùa mưa dầm.
  • Tác hại: Bệnh gây rụng lá già, mức độ gây hại khác nhau tùy từng vùng và dòng vô tính.
  • Triệu chứng: Điển hình của bệnh là trên cuống lá bị rụng có một hoặc nhiều cục mủ trắng. Trên vườn cây kinh doanh, nấm có thể lan xuống mặt cạo gây ra bệnh loét sọc mặt cạo. Các dòng vô tính nhiễm bệnh nặng là RRIM 600, GT 1…
Bệnh rụng lá mùa mưa trên cây cao su
  • Xử lý: Vườn kiến thiết cơ bản gần vườn kinh doanh bị rụng lá mùa mưa, phun trị ngay khi phát hiện bệnh lây lan qua. Sử dụng hỗn hợp metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP) 0,2%. Nếu chồi non nhiễm bệnh phải cắt bỏ phần bị thối và bôi thuốc metalaxyl + mancozeb 2% sau đó bôi vaseline. Tuyệt đối không phun trị vườn cây kinh doanh bị nhiễm bệnh, chỉ tập trung bôi thuốc metalaxyl + mancozeb 2% hoặc chế phẩm LSMC 99 lên mặt cạo để phòng trị bệnh loét sọc mặt cạo.

Bệnh Corynespora

  • Tác nhân: Do nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei.
  • Phân bố: Bệnh xuất hiện quanh năm và trên các giai đoạn sinh trưởng của cây cao su. Vùng Đông Nam Bộ có 02 cao điểm bệnh: Cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 và cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 hàng năm.
  • Tác hại: Gây hại đặc biệt nghiêm trọng trên các dòng vô tính cao su mẫn cảm. Nấm tấn công lá và chồi, gây rụng lá hàng loạt nhiều lần, làm giảm sinh trưởng, năng suất và đôi khi gây chết cây trên vườn kiến thiết cơ bản và kinh doanh.
  • Triệu chứng: Xuất hiện trên lá, cuống lá và chồi với những triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào tuổi lá và tính mẫn cảm của dòng vô tính:
  • Trên lá: Vết bệnh có hình tròn màu xám đến nâu với viền vàng xung quanh, trung tâm vết bệnh đôi khi hình thành lỗ. Lá non bị hại xoăn lại, biến dạng, sau đó rụng toàn bộ. Ở một số dòng vô tính, lá bệnh có triệu chứng đặc trưng với vết màu đen dạng xương cá dọc theo gân lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, các vết lan rộng gây chết từng phần lá, sau đó toàn bộ lá đổi màu vàng – vàng cam và rụng từng lá một.
Bệnh Héo Đen Đầu Lá Trên Cây Cao Su
Bệnh Đốm Mắt Chim Trên Cây Cao Su
Bệnh Corynespora Trên Cây Cao Su
  • Trên chồi và cuống lá: Vết nứt dọc theo chồi và cuống lá dạng hình thoi, có mủ rỉ ra, sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, chết cả cây. Trên gỗ có sọc đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên cuống lá có vết nứt màu đen chiều dài 0,5 – 3,0 mm. Nếu cuống lá bị hại, toàn bộ lá chét bị rụng khi còn xanh dù không có một triệu chứng nào xuất hiện trên phiến lá.
  • Xử lý: Không trồng các dòng vô tính mẫn cảm như RRIC 103, RRIC 104, RRIM 725, RRIV 2, RRIV 3, RRIV 4…
  • Sử dụng hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Saizole 5SC, Vivil 5SC) 0,2 – 0,3%. Pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 0,2%. Thực hiện phun trị khi phát hiện bệnh còn ở mức nhẹ (cấp 1 – 2) và có 3 – 5% lá non rụng do nhiễm bệnh.
  • Phun vào buổi sáng sớm và ngưng khi trời bắt đầu nắng gắt (10g00 – 10g30). Phun 2 – 3 lần với chu kỳ 7 – 10 ngày/lần. Đối với vườn cây kinh doanh, phải giảm cường độ cạo hoặc ngừng thu hoạch mủ nếu bệnh nặng.
  • Bón tăng lượng phân kali 25% so với quy trình để cây tăng sức chống chịu bệnh.Thường xuyên kiểm tra vườn cây, đặc biệt khi thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn, vì đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát trở lại.

Bệnh trên thân cành cây cao su

Các loại dịch hại xảy ra trên thân cây cao su có ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là khả năng khai thác mủ trên vườn cây khai thác, hay sinh trưởng trên vườn cây KTCB. Đặc biệt khó phòng trị hơn các loại dịch hại trên cây cao su khác.

Bệnh nấm hồng

  • Tác nhân: Do nấm Corticium salmonicolor Berk. & Br.
  • Phân bố: Bệnh nặng ở vùng có hai mùa mưa nắng rõ rệt, cao trình < 300 m. Bệnh thường xảy ra trong mùa mưa.
  • Tác hại: Gây hại cho cây 3 – 8 tuổi làm chết cành, cụt ngọn.
  • Triệu chứng: Vết bệnh chỉ xuất hiện trên thân và cành có vỏ đã hóa nâu. Ban đầu vết bệnh có tơ nấm dạng “mạng nhện” màu trắng kèm theo vết mủ chảy. Lúc bệnh nặng, nấm chuyển sang màu hồng, mủ chảy nhiều và lan rộng. Khi cành chết, lá khô không rụng, phía dưới vết bệnh mọc ra nhiều chồi.

 

Bệnh-Nấm-Hồng-Trên-Giống-Cao-Su-DK4
  • Xử lý: Thường xuyên điều tra và tiến hành phun trị ngay khi phát hiện bệnh. Dùng một trong các loại thuốc sau: validamycine (Vivadamy 5SL, Validacin 5L, Vanicide 5SL) 1,0 – 1,2%, hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizol 5SC) 0,5%. Các loại thuốc trên cần pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 1,0%. Phun phủ kín vết bệnh với chu kỳ 10 – 14 ngày/lần cho đến khi khỏi bệnh. Ngưng cạo mủ những cây bị chết tán và cây bị bệnh nặng. Vào mùa khô, tiến hành cưa cắt cây, cành bị chết và đem đi tiêu hủy.

Bệnh thối vỏ Fusarium

  • Tác nhân: Do nấm Fusarium equiseti.
  • Phân bố: Xuất hiện trên vườn kiến thiết cơ bản và vườn kinh doanh. Nấm thường hoạt động chủ yếu tập trung vào mùa mưa.
  • Tác hại: Bệnh gây hại cho hầu hết các bộ phận của cây, làm chậm sinh trưởng vườn cây kiến thiết cơ bản, gây thối hỏng mặt cạo làm giảm sản lượng.
  • Triệu chứng: Vỏ cây, mạch mộc và libe phù lên, hóa nâu và nứt ra, có mủ chảy ra từ các vết nứt. Trên cây trồng mới 1 – 2 năm tuổi, triệu chứng nặng có thể dẫn đến lá rụng, các cành non bị chết ngược và cây ngừng phát triển. Trên cây cao su kinh doanh, triệu chứng bệnh xuất hiện trên miệng cạo, mặt cạo với nhiều vết thâm đen hoặc thối nhũn, phần vỏ bệnh nặng bị khô xốp, màu nâu và có xu hướng lan rộng, bên dưới vết bệnh có lớp đệm mủ, gỗ phía trong vết bệnh bị thâm đen. Vết rập ranh tiền, ranh hậu bị nứt và thâm đen phía trong.
Bệnh thối vỏ trên cây cao su cạo
Bệnh thối vỏ trên cây cao su cạo
Bệnh thối vỏ trên cây cao su vườn nhân
Bệnh thối vỏ trên cây cao su
  • Xử lý: Vườn cây kiến thiết cơ bản: Phun thuốc trị bệnh bằng hexaconazole (Vivil 5SC, Hexin 5SC, Saizol 5SC, Anvil 5SC…) 0,3%; metalaxyl (Vilaxyl 35WP…) 0,15% hoặc hỗn hợp của metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP…) 0,3% phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 0,3%. Phun 2 – 3 lần với chu kỳ 10 – 15 ngày/lần.
  • Vườn cây kinh doanh: Ngưng cạo các cây bị bệnh, tiến hành xử lý bằng chế phẩm LSMC 99; thuốc metalaxyl (Vilaxyl 35WP…) 1% hoặc hỗn hợp metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP…) 2% phối hợp với chất bám dính BDNH 1% cho toàn bộ các cây cạo trên lô bị nhiễm bệnh với chu kỳ 10 ngày/lần, số lần bôi: 3 lần.
  • Các lô liền kề cần phải bôi thuốc phòng bệnh cho toàn bộ cây cạo với chu kỳ 1 tháng/lần trong mùa mưa. Bôi thuốc đều trên miệng cạo và thành băng rộng 1 – 1,5 cm trên phần vỏ tái sinh sát miệng cạo. Lưu ý sát trùng dao cạo bằng các loại thuốc nêu trên nhằm hạn chế bệnh lây lan qua dao cạo.

Bệnh Botryodiplodia

  • Tác nhân: Do nấm Botryodiplodia theobromae Pat.
  • Phân bố: Xuất hiện phổ biến tại các vùng trồng cao su tại Việt Nam và gây hại cho hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây cao su. Nấm thường hoạt động chủ yếu tập trung vào mùa mưa.
  • Tác hại: Nấm gây hại cho hầu hết các bộ phận của cây, làm chậm sinh trưởng, hư hỏng vỏ cạo. Bệnh ở mức nặng (cấp 4 trở lên) sẽ làm giảm sản lượng của vườn cây kinh doanh có thể đến 20 – 30%. Bệnh nặng trong thời gian dài sẽ làm cây khô mặt cạo hoàn toàn.
  • Triệu chứng: Vị trí gây hại chủ yếu trên chồi, cành và thân có vỏ từ xanh đến hóa nâu. Triệu chứng thay đổi tùy giai đoạn vườn cây.
  • Vườn cây kiến thiết cơ bản (1 – 2 năm tuổi trên vỏ xanh nâu): Trên chồi xuất hiện vết nứt có dạng hình thoi sau đó phát triển theo hướng lên trên và xuống dưới. Tại vết bệnh có hiện tượng mủ rỉ ra. Phần vỏ và gỗ bị khô và xốp. Khi vết bệnh lan rộng, tán lá non sẽ khô và héo rũ nhưng không rụng, trên phần vỏ bị chết xuất hiện những đốm có màu nâu đen chứa nhiều bào tử. Thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Sự lây nhiễm xảy ra rải rác hay tập trung 10 – 15 cây/điểm.
  • Vườn cây từ 3 năm tuổi trở lên (vỏ hoá nâu) và vườn cây kinh doanh: Ban đầu xuất hiện những nốt mụn nhỏ 1 – 2 mm, sau đó các nốt mụn liên kết lại thành từng cụm 4 – 5 cm2 hoặc lan ra toàn bộ thân cành. Cây bị nhiễm bệnh nặng, biểu bì dày lên do nhiều lớp tạo thành, bong tróc ra khỏi vỏ, sau đó xuất hiện những vết nứt, đôi khi có mủ rỉ ra và bên dưới không có đệm mủ. Cây chậm phát triển, vỏ nguyên sinh bị u lồi, bề mặt gồ ghề nên không thể mở cạo hoặc có thể gây chết cây.
Bệnh Botryodiplodia trên cây cao su KTCB
Bệnh Botryodiplodia trên cây cao su
  • Xử lý: Chỉ phun thuốc trị bệnh trong mùa mưa cho những cây nhiễm ở mức cấp 2 trở lên. Vườn cây kiến thiết cơ bản: Sử dụng hexaconazole (Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizol 5SC, Anvil 5SC…) 0,3% – 0,5% phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 0,5% – 1,0%. Phun 2 – 3 lần với chu kỳ 2 – 3 tuần/lần cho những cây bị bệnh và cây liền kề. Nếu chồi bị chết, cắt dưới vết bệnh 10 – 20 cm với góc 45° và dùng vaselin bôi một lớp mỏng tại vị trí cắt; Vườn cây kinh doanh: Sử dụng Hexaconazole (Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizol 5SC, Anvil 5SC…) 0,5% phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 1,0% – 1,5%. Phun 2 – 3 lần với chu kỳ 7 – 10 ngày/lần. Ngưng cạo cây bị bệnh nặng để điều trị khỏi bệnh.

Bệnh loét sọc mặt cạo

  • Tác nhân: Do nấm Phytophthora palmivora và P. botryosa.
  • Phân bố: Bệnh xảy ra phổ biến ở vùng mưa và độ ẩm cao, nhiệt độ thấp.
  • Tác hại: Khi cây bị nặng, vết bệnh phá hủy toàn bộ mặt cạo và phát triển lên mặt cạo tái sinh cũng như vỏ nguyên sinh, làm mất diện tích mặt cạo và khó khăn cho việc cạo mủ sau này. Nếu mặt cạo bị hại nặng có thể làm giảm sản lượng đến 100%.
  • Triệu chứng: Triệu chứng ban đầu không rõ rệt với những sọc nhỏ thẳng đứng hơi lõm vào có màu nâu nhạt phía trên đường cạo (Hình 2.17). Nếu không phòng trị, các vết sẽ liên kết lại thành từng mảng lớn, lúc này vỏ bị thối nhũn và có mủ cũng như dịch màu vàng rỉ ra từ vết thương có mùi hôi thối. Phía trong vết bệnh có đệm mủ và những sọc đen trên gỗ, lúc này tượng tầng bị hủy hoại và để lộ gỗ.
Bệnh Botryodiplodia trên mặt cạo cây cao su
  • Xử lý: Không cạo khi mặt cạo còn ướt và cạo phạm. Cạo đúng kỹ thuật và diệt cỏ dại. Giảm nhịp độ cạo hoặc nghỉ cạo trong thời gian mưa dầm. Dùng máng chắn mưa hoặc mái che mưa. Sử dụng chế phẩm LSMC 99 hoặc thuốc metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP) 2%, phối hợp thêm chất bám dính BDNH 2000 1,0%. Quét băng rộng 1 – 1,5 cm trên miệng cạo và phần vỏ tái sinh phía trên miệng cạo sau khi thu mủ. Bôi trị với chu kỳ 10  ngày/lần cho đến khi hết bệnh. Bôi phòng định kỳ 1 tháng/lần vào mùa mưa dầm ở khu vực có nguy cơ cao, giống mẫn cảm hoặc khi vườn cây bị rụng lá mùa mưa.

Bệnh khô mặt cạo

  • Tác nhân: Là sự rối loạn sinh lý của hệ thống ống mủ, không do tác nhân vi sinh vật, hậu quả của việc cạo mủ quá cường độ trong thời gian dài, làm cây không đủ thời gian và dinh dưỡng để tái tạo mủ hoặc do đặc tính sinh lý của cá thể.
  • Phân bố: Xuất hiện trên tất cả các vườn cao su kinh doanh. Đôi khi cũng xuất hiện trên cây chưa cạo mủ.
  • Tác hại: Làm mất sản lượng trước mắt và lâu dài trong suốt chu kỳ kinh tế.
  • Triệu chứng: Ban đầu, một phần miệng cạo không có mủ, có hiện tượng đông mủ sớm trên miệng cạo. Phần trong vỏ ở vùng dưới miệng cạo có màu nâu nhạt đến đậm. Nếu tiếp tục cạo mủ, bệnh sẽ phát triển sau đó toàn bộ mặt cạo bị khô, có màu nâu và vỏ cây bị nứt, vết nứt thường xuất phát từ miệng cạo và lan dần xuống mặt cạo hoặc từ dưới gốc lên theo đường ống mủ. Cây bị khô mủ toàn phần vẫn sinh trưởng bình thường.
  • Xử lý: Cạo đúng chế độ cạo quy định. Chăm sóc, bón phân đầy đủ cho vườn cây, nhất là vườn có bôi chất kích thích mủ.

Bệnh rễ trên cây cao su

Bệnh rễ nâu

  • Tác nhân: Do nấm Phellinus noxius (Corner) G. H. Cunn.
  • Phân bố: Thường xuất hiện trên vườn cây tái canh hoặc tại những vùng trước đây là rừng có nhiều cây thân gỗ.
  • Tác hại: Gây chết cây.
  • Triệu chứng: Biểu hiện của bệnh xuất hiện trên tán lá và rễ. Tán lá còi cọc, lá có màu xanh hơi vàng co rút và cụp xuống. Nhiều cành nhỏ ở phần dưới tán bị rụng lá. Sau đó, toàn bộ tán lá bị rụng và cây chết. Trên rễ bệnh mọc nhiều rễ con chằng chịt, dính lớp đất dày 3 – 4 mm khó rửa sạch. Sau khi rửa sạch, mặt ngoài rễ có màu vàng nâu. Phần gỗ chết có những vân màu nâu đen, dễ bóp nát. Quả thể thường xuất hiện trên thân gần mặt đất.
Bệnh rễ nâu trên cổ rễ cây cao su
  • Xử lý: Khi khai hoang phải dọn sạch rễ trong hố trồng để giảm nguồn lây nhiễm ban đầu. Trên vùng có nguy cơ xuất hiện bệnh, trộn 100 – 150 g bột lưu huỳnh vào hố 5 – 7 ngày trước khi trồng. Với cây bị bệnh và những cây kế cận, dùng thuốc hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizol 5SC) 0,5% pha trong nước tưới quanh gốc trong bán kính 0,5 m với liều lượng 3 – 5 lít/cây và phải xử lý 2 – 3 lần với chu kỳ 2 tháng/lần. Cây bị bệnh nặng, dùng tridemorph (Calixin 75EC) 10% pha trong hỗn hợp vaselin và dầu hạt cao su quét lên phần rễ chính. Với các cây bị chết, cưa cách mặt đất 10 – 15 cm sau đó dùng triclopyr (Garlon 250EC) 5% pha trong dầu diesel quét lên vết cắt hoặc đào hết gốc rễ để tiêu hủy nguồn bệnh.

Bệnh lở cổ rễ

  • Tác nhân: Do nấm Pythium spp kết hợp với Phytophthora spp;
  • Phân bố: Bệnh thường xảy ra thời điểm mưa có độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ thấp. Hiện nay, bệnh đã xuất hiện tại vùng miền núi phía Bắc.
  • Tác hại: Nấm bệnh phá hủy vỏ vùng cổ rễ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Cây bị nhiễm nặng có thể chết toàn bộ.
  • Triệu chứng: Ban đầu vết hơi lõm xuất hiện trên vùng cổ rễ cách mặt đất 0 – 10 cm có mủ rỉ ra. Gặp điều kiện thuận lợi, vết bệnh sẽ lan rộng, vỏ bị thối đen và vết thương có mùi hôi. Vỏ thối và lộ gỗ, là vị trí thuận lợi cho tác nhân khác xâm nhập làm chết cây.
Bệnh lở cổ rễ cây cao su
  • Xử lý: Không gây vết thương cho cây trong thời gian chăm sóc (làm cỏ, bón phân…). Kiểm tra phát hiện sớm cây bị nhiễm bệnh, đánh dấu để tiến hành xử lý. Loại bỏ phần vỏ chết ở vết bệnh sau đó dùng thuốc chứa gốc metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP) 2% phun hay quét; hoặc chế phẩm LSMC quét kín vết bệnh. Để thuốc khô rồi dùng vaselin quét một lớp mỏng kín vết bệnh. Sau 25 – 30 ngày, kiểm tra lại vết bệnh và xử lý lập lại khi còn triệu chứng gây hại. Ngưng cạo cây bị nhiễm bệnh, chỉ mở cạo lại khi cây phục hồi hoàn toàn.

Cháy nắng

  • Tác nhân: Do nhiệt độ thay đổi đột ngột khi chuyển cây non trong bóng mát đưa ra trồng gặp nắng. Tưới không đủ ẩm, biên độ nhiệt độ chênh lệch trong ngày cao. Tủ và làm bồn không kỹ gây bức xạ nhiệt, thường xảy ra ở vùng có đất kết von gần bề mặt hoặc vào mùa nắng nóng kéo dài.
  • Phân bố: Xuất hiện phổ biến vào mùa khô trên vườn cây kiến thiết cơ bản.
  • Triệu chứng: Lá cháy loang lổ hoặc từng phần với màu trắng bạc sau đó chuyển qua màu nâu, tiếp theo lá bị rụng hoặc héo rũ, chồi non chết do mất nước. Phần thân hoá nâu gần mặt đất 0 – 20 cm xuất hiện vết lõm hình mũi mác có màu đậm và vỏ bị chết. Vết bệnh hướng cùng một phía phổ biến ở hướng Tây và Tây Nam.
Cháy nắng trên cây cao su
  • Xử lý: Vườn cây kiến thiết cơ bản, cần làm bồn, tủ gốc kỹ và cách xa gốc cây cao su 10 cm trong giai đoạn mùa khô. Quét vôi 5% trên thân cây ở vùng bệnh thường xuất hiện. Khi cây bị chết chồi, cắt dưới vết bệnh 10 – 20 cm ở góc nghiêng 45 độ và dùng vaselin bôi một lớp mỏng tại vị trí cắt.

Sét đánh

  • Tác nhân: Do tác động của dòng điện có cường độ cao.
  • Phân bố: Xảy ra ngẫu nhiên trong mùa mưa, nhất là giao điểm giữa mùa khô
    và mùa mưa.
  • Tác hại: Gây hại cho cây cao su kiến thiết cơ bản và cây đang thu hoạch mủ. Có thể làm chết cành hay chết toàn bộ cây.
  • Triệu chứng: Xảy ra rất nhanh, tán lá héo như bị nhúng nước sôi, lá bị rụng khi vẫn còn xanh. Vỏ bị khô và có màu nâu đậm, khi bẻ đôi mảnh vỏ có sợi tơ trắng do mủ bị khô. Phần gỗ ngay sát tượng tầng bị khô và có những đám sọc màu đen. Các cây bị hại tập trung thành từng nhóm (trên dưới 6 cây) và rải rác trong lô. Sau 1 – 2 tuần, phần gỗ và vỏ bị khô xuất hiện bột màu vàng nhạt do mọt xâm nhập.
Sét đánh trên cây cao su
  • Xử lý: Cần phát hiện sớm, cưa cắt dưới vị trí bị chết 20 – 30 cm và bôi vaselin. Dùng dung dịch vôi 5% quét lên phần thân cây bị hại. Cho ngưng cạo những cây bị hại để cây hồi phục.

Rét hại

  • Tác nhân: Do tác động của nhiệt độ thấp (dưới 10 độ C) kéo dài.
  • Phân bố: Xuất hiện vào mùa rét, ở phía sườn đồi hướng về phía Bắc và vùng thung lũng.
  • Tác hại: Gây hại cho cao su vườn kiến thiết cơ bản và vườn kinh doanh làm chết chồi, cành hay chết toàn bộ cây.
  • Triệu chứng: Lá non bị biến dạng sau đó chết, lá già bị héo khô. Đỉnh sinh trưởng bị chết và lan rộng xuống thân có màu đen. Trên thân xuất hiện vết nứt, ban đầu rỉ dịch vàng tiếp theo là mủ chảy thành vệt. Nếu nhiệt độ thấp kéo dài có thể chết cả cây.
Rét hại trên cây cao su
  • Xử lý: Không sử dụng phân bón kích thích ra chồi, lá non vào mùa rét. Làm bồn tủ gốc giúp cây chống chịu rét tốt hơn. Trên vườn cây kiến thiết cơ bản, khi thân đã chết, cắt dưới vị trí bị chết 20 – 30 cm và bôi vaselin. Trên thân cây: Nạo bỏ phần vỏ cây bị chết và bôi vaselin.

Ngộ độc thuốc trừ cỏ, thuốc trừ nấm hoặc phân bón lá

  • Tác nhân: Do cây tiếp xúc với thuốc trừ cỏ hoặc thuốc trừ nấm, phân bón lá ở nồng độ cao vượt quá ngưỡng cho phép.
  • Tác hại: Gây ngộ độc cho cây, ảnh hưởng đến sinh trưởng cây kiến thiết cơ bản.
  • Triệu chứng: Phiến lá gợn sóng, biến dạng, nhăn và bề mặt lá gồ ghề khi ngộ độc ở mức nhẹ. Nặng hơn là những vết cháy loang lổ trên lá (mô lá bị chết), lá chuyển sang màu vàng, mép lá quăn hướng lên, lá rụng, cây bị chùn đọt, chết chồi và phát sinh nhiều chồi dại.
Nhiễm thuốc trên cây cao su.jpg
  • Xử lý: Cây bị nhiễm độc nhẹ, nên tưới nước lên tán lá để rửa trôi bớt lượng thuốc bám trên lá và giúp cây giải độc. Cây nhiễm độc nặng (chết chồi), cưa cắt dưới vị trí bị chết 10 – 20 cm và bôi vaselin lên vết cắt để cây sản sinh chồi mới.

Côn trùng gây hại trên cây cao su

Rệp sáp, rệp vảy

  • Rệp là côn trùng chích hút, có trên 12 loài rệp ghi nhận gây hại cho cây cao su, trong đó 3 loài có tầm quan trọng: Lepidosaphes cocculi, Pinnaspis aspidistrae và Saissetia nigra.
  • Gây hại cho lá, chồi non và cành trên cao su kiến thiết cơ bản 1 – 4 năm tuổi, đôi khi cũng xuất hiện trên vườn cây kinh doanh.
Rệp trên cây cao su
  • Xử lý: Phát hiện sớm, phun trị ngay khi phát hiện rệp trên vườn nhằm hạn chế lây lan. Sử dụng thuốc gốc abamectin, cypermethrin 0,1 – 0,2% hay benfuracab (Oncol 20EC) 0,3 – 0,4%; hỗn hợp chloropyrifos + fipronil (Wellof 330EC) 0,2 – 0,3% phun trên phần cây bị hại, 2 – 3 lần với chu kỳ 1 tuần/lần.

Mối gây hại cây cao su

  • Mối gây hại cho cây cao su thuộc hai loài Globitermes sulphureus Haviland và Coptotermes curvignathus Holmgren thuộc họ Termitidae, bộ Isoptera.
  • Gây hại cao su mọi lứa tuổi, nặng nhất vào giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhất là những nơi có nhiều tàn dư thực vật. Mối xâm nhập vào cây qua vết thương cơ giới, vết bệnh, sau đó tấn công ngầm trong thân, gây chết và gãy đổ cây.
Globitermes sulphureus Haviland và Coptotermes curvignathus Holmgren
  • Xử lý: Không lấp rác, cỏ tươi xuống hố trồng. Tủ rác giữ ẩm phải xa gốc cao su, làm cỏ không gây vết thương cổ rễ. Dùng thuốc gốc chlorpyrifos (Lentrek 40EC…) 0,15 – 0,2% tưới lên tổ mối với liều lượng 4 – 5 lít/tổ mối hoặc quanh gốc cây với liều lượng 0,5 – 1,0 lít/cây.

Sùng hại rễ cây

  • Sùng là tên gọi chung cho ấu trùng của các loài bọ rầy cánh cứng. Có nhiều loài gây hại cho cây cao su: Psilopholis vestita (Sharp); Leucopholis rorida Fab.; L. tristis Brnsk.; L. nummicudens Newm.; Lepidiota stigma F.; Holotrichia bidentata Burm. và Exopholis hypoleuca Wied, thuộc họ Melolonthidae, bộ cánh cứng Coleoptera. Sùng thường xuất hiện ở vùng đất xám, nhất là nơi sử dụng phân hữu cơ chưa hoai mục hay nơi có chăn thả trâu, bò.
  • Gây hại cao su mọi giai đoạn, nặng nhất ở vườn kiến thiết cơ bản. Cây bị tấn công, tán lá đổi màu, tiếp theo chết cành và sau cùng chết toàn bộ cây.
  • Xử lý: Không chăn thả trâu bò trong vườn cao su. Tuyệt đối không dùng phân hữu cơ chưa hoai mục để bón cho vườn cao su. Dùng thuốc trừ sâu gốc carbaryl (Baryl annong 85BTN; Carbavin 85WP…) 0,1% tưới xung quanh gốc hay ethoprophos (Mocap 10G Vimoca 10G…) 10 g/hố.

Tổng Kết

Hi vọng bài viết sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích về dịch hại trên cây cao su. Tuy nhiên nếu các bạn muốn tìm hiểu rõ hơn nữa. Hay cần sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia BVTV hàng đầu ngành cao su. Bạn có thể truy cập chuyên trang Chuẩn đoán Dịch hại trên cây cao su của RRIV https://chandoanbenhonline.rubbergroup.vn/

GCS