Mô hình trồng xen và canh tác tổng hợp trên vườn cây cao su

Bạn muốn tận dụng quỹ đất trên vườn cây cao su? Bù đắp tối đa kinh phí đầu tư? Trồng xen chính là hướng đi hiệu quả nhất!

Giới thiệu về kỹ thuật trồng xen và canh tác với cây cao su

Trồng xen trên vườn cây cao su đang là hướng đi hiệu quả hiện nay. Được nêu trong tài liệu “hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cao su bền vững”. Trồng xen có thể tận dụng tối đa diện tích đất trồng cao su. Giảm và bù đắp chi phí đầu tư cho cây cao su bằng các cây trồng, vật nuôi khác.

Để trồng xen, canh tác tổng hợp hiệu quả, thay đổi quan trọng nhất đến từ mật độ cây cao su trên vườn. Nó tùy thuộc vào loại cây trồng, vật nuôi và thời gian canh tác trồng xen. Tất cả nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trên cùng một diện tích canh tác tổng hợp với cây cao su.

Trồng xen cây ngắn ngày

Lưu ý trồng xen cây ngắn ngày

Đây là hình thức trồng xen trên vườn cây cao su phổ biến nhất hiện nay. Ở mật độ trồng cây cao su bình thường (6×3 hay 7×2,5), việc trồng xen các cây ngắn ngày được thực hiện trong 3 năm đầu kể từ năm trồng mới.

Với những lưu ý dưới đây.

  • Nên ưu tiên trồng xen với cây nông nghiệp ngắn ngày họ đậu, hạn chế xen cây khoai mì (cây sắn).
  • Cây trồng xen phải được trồng theo quy trình kỹ thuật phù hợp và được quản lý để không cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây cao su.
  • Cây trồng xen không là ký chủ của những nguồn bệnh chính gây hại cho cây cao su.
  • Khi trồng xen cây ngắn ngày trên vườn cao su có độ dốc bình quân trên 10 độ thì chỉ làm đất tối thiểu để hạn chế xói mòn.
  • Không trồng xen cây ngắn ngày trên vườn cao su có độ dốc bình quân trên 15 độ.
  • Trồng xen cách hàng cao su mỗi bên 1,5 m, có thể trồng họ đậu cách hàng cao su 1,0 m.
  • Phải bón phân cho cây trồng xen và tăng cường nguồn hữu cơ cho vườn cây trồng xen.
  • Tận dụng các dư thừa thực vật của cây trồng xen khi thu hoạch để tủ gốc cho cây cao su.

Mô hình trồng xen cây ngắn ngày

Mô hình trồng dưa xen canh trên đất cao su

Mỗi vụ trồng xen dưa hấu với cao su, người dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thu về từ 7 – 10 triệu đồng/sào.

Ước tính 1 ha dưa có thể thu 30 – 35 tấn quả, bình quân mỗi vụ thu về khoảng 150 – 170 triệu đồng/ha

Trồng dưa hấu xen canh với cây cao su

Mô hình trồng xen cây lạc (đậu phộng) trong vườn cao su

Tại Công ty Cao su Quảng Trị, trồng xen cây lạc (đậu phộng) trong vườn cao su.

Năng suất thực tế vụ xuân năm 2014 đạt bình quân từ 25 đến 30 tạ lạc tươi/ha. Giá bán 10.000 đồng/kg lạc tươi, giá bán lạc vỏ khô là 20.000 đ/kg; chi phí thực tế 10 triệu đồng/ha; lãi suất thu từ lạc vụ xuân từ 18 – 20 triệu đồng/ha. Hiện nay nhiều hộ công nhân đang trồng được 2 vụ /năm.

Trồng xen đậu trên vườn cao su

Mô hình trồng xen khoai lang và cao su

Năm 2016, một số đơn vị tại Tây Nguyên đang cho người dân thuê đất trồng xen canh khoai lang Nhật.

Giống khoai lang của Nhật thời gian từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng. Giống phù hợp với đất đỏ, cho năng suất từ 1,5 – 2 tấn/sào (15 – 20 tấn/ha). Với giá bán là 14.000 đồng/kg thì lãi khá cao, bình thường thì mỗi ha lãi khoảng 50%, tức từ 70 – 80 triệu đồng. Để đầu tư trồng được một ha khoai lang phải mất từ 50 – 60 triệu đồng.

Mô hình trồng ớt xen vườn cao su chưa khép tán

Mô hình trồng ớt tại xã Lộc Tấn – Lộc Ninh đã thử nghiệm với kết quả khả quan.

Trồng cây ớt cần ít vốn đầu tư, dễ chăm sóc, cây ít sâu bệnh, cho thu hoạch nhanh. Trong vườn cao su có thể trồng mật độ từ 1.000 đến 1.300 cây/sào. Với giá bình quân từ 35 đến 40 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận trên 30 triệu đồng/sào (300 triệu đồng/ha).

Mô hình trồng đinh lăng xen cao su

Được triển khai tại xã Phước Minh – Dương Minh Châu – Tây Ninh. Mô hình trồng xen cây đinh lăng trên vườn cao su với khoảng 30.000 gốc đinh lăng/ha. Cây đinh lăng có thể thu hoạch lá 6 tháng một lần, ước tính doanh thu 600 triệu đồng/ha/năm.

Sau 3 năm, có thể bán toàn bộ cây, rễ để làm nguyên liệu trà, rượu.

Mô hình trồng dứa xen cao su

Từ năm 2010 đến nay, hàng trăm hộ dân của nhiều xã trên địa bàn huyện Mường Chà – Điện Biên trồng xen canh cây dứa dưới tán rừng cao su. Bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Mô hình trồng dứa xen canh với 2 ha dứa dưới tán rừng cao su từ năm 2014 thì đến vụ năm 2017 đã bán được hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Mô hình trồng xen nghệ trong vườn cao su

Nghệ là loại cây được nhiều nông dân xã Tân Hòa – Đồng Phú, – Bình Phước lựa chọn trồng xen. Với thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/ha.

Năm 2016, anh Nguyễn Doãn Tâm (1972), ấp Đồng Chắc – Tân Hòa trồng cây nghệ đỏ trên 1,5 ha cao su 2 năm của gia đình. Sau 9 tháng gieo trồng trong vườn cao su non, từ diện tích 1,5 ha, gia đình anh thu hoạch được hơn 30 tấn củ nghệ tươi, giá 7.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư phân bón và giống ban đầu khoảng 80 triệu, còn lãi khoảng 130 triệu đồng.

Mô hình trồng củ lùn xen cao su

Tận dụng đất trống trong vườn cao su để trồng xen củ lùn đã giúp gia đình ông Hồ Trúc Bạch, ở khu phố Ninh Phúc – Ninh Thạnh – TP. Tây Ninh thu lợi nhuận cao.

Ông Bạch tận dụng 1 ha đất đã trồng cây cao su được hơn 4 năm tuổi để trồng xen củ lùn. Đến cuối tháng 12/2017, 1 ha đất trồng củ lùn gia đình ông Bạch thu hoạch được khoảng 3 tấn củ, giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, tổng thu gần 90 triệu đồng.

Mô hình trồng ba kích dưới tán rừng cao su

Năm 2014, sau thời gian tìm hiểu, anh Nguyễn Duy Thạnh đầu tư 250 triệu đồng mua 8.000 cây giống ba kích trồng thử nghiệm dưới tán rừng cao su trên diện tích 7.000 m2 ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Ba kích thu về rửa sạch và được phân loại, loại lớn bán giá 500.000 đồng/kg, loại nhỏ 250.000 đồng/kg. Với 7.000 cây thu hoạch đạt khoảng 6 tấn, thu về 1,8 tỷ đồng và trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 800 triệu đồng.

Trồng xen cây lâu năm

Lưu ý khi trồng xen cây lâu năm

Yếu tố thứ nhất để đạt được hiệu quả cao nhất khi lựa chọn trồng xen cây lâu năm, bạn cần thiết kế lô trồng cao su theo mật độ mới.

Bạn có thể lựa chọn các mật độ sau

  • Mật độ hàng kép (12 x 5 x 2)m, ở mật độ này bạn có mật độ cây cao su là 580 cây/ha.
  • Mật độ hàng kép ( 15 x 5 x 2)m hay (14 x 6 x 2)m, ở mật độ này bạn có mật độ cây cao su là 500 cây/ha.

GCS có một bài viết chi tiết về mật độ trồng cây cao su tại đây!

Yếu tố thứ hai cần phải xác định mục đích, hiệu quả kinh tế, loại giống chọn trồng, có quy trình trồng và định mức kỹ thuật được công nhận để vận dụng.

  • Đối với cây có dạng thấp hơn cây cao su (như cà phê), trồng cách hàng cao su ≥ 3 m.
  • Đối với cây sinh trưởng nhanh (như chuối), cây lâm nghiệp có thân gỗ lớn (như keo lai, dầu, giá tỵ…) nên trồng sau cây cao su 1 – 2 năm, có thể trồng 2 – 3 hàng, cách cây cao su ≥ 5 m.
  • Tăng cường nguồn hữu cơ cho vườn cây trồng xen dài hạn bằng cách thiết lập thảm phủ họ đậu hỗn hợp Kudzu và Mucuna. Nếu cây trồng xen lâu năm ảnh hưởng đến tán cây cao su, phải cắt tỉa, bảo đảm ưu tiên cho cao su phát triển.

Các mô hình trồng xen cây lâu năm trên lô cao su

Mô hình trồng chuối xen trong vườn cao su với công nghệ cao

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên diện tích hiện có. Năm 2018, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã thực hiện trồng xen canh và chuyển đổi một phần diện tích trồng cao su sang làm nông nghiệp công nghệ cao.

Công ty đã hợp tác thực hiện dự án trồng chuối cấy mô tại Nông trường Thanh An trên diện tích khoảng 117 ha, đã hoàn thành các công trình như mương thoát nước, trạm điện, trạm bơm nước, nhà máy đóng gói chuối… Công ty được trả 25 triệu đồng/ha tiền sử dụng cơ sở hạ tầng và lợi nhuận từ dự án được chia theo tỷ lệ góp vốn. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được triển khai mở rộng tại các nông trường khác trong Công ty.

Trồng xen chuối công nghệ cao trên vườn cây cao su

Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) đã trồng xen chuối trên vườn cao su kiến thiết cơ bản khoảng 69 ha năm 2018. Và dự kiến mở rộng thêm 150 ha để đạt kế hoạch sản lượng chuối 4.950 tấn năm 2019.

Mô hình trồng chuối già lùn xen trong vườn cao su có diện tích 100 ha được Công ty Xuất Nhập Khẩu TNHH Thương mại Thiện Thoa liên kết với Công ty CP Cao su Bà Rịa thực hiện tại lô cao su trồng mới xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức vào đầu năm 2016.

Với mật độ trồng xen chuối khoảng 1.500 cây/ha, bình quân 17 – 20 kg/buồng, năng suất ước đạt 25 – 30 tấn/ha, giá bình quân 8.000 đ/kg. Ước tính doanh thu khoảng 200 – 320 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng xen đu đủ trong vườn cao su

Mô hình này đang được thí điểm tại Phước Long – Bình Phước. Các hộ tiểu điền trồng xen cây đu đủ trong vườn cao su.

Với giống đu đủ lùn Thái Lan, sau khi trồng 5 – 7 tháng, có thể thu hoạch. Trọng lượng bình quân 1,5 – 2 kg/trái, có trái nặng tới 3 kg. Với giá bán bình quân từ 4.000 – 8.000 đồng/kg tùy vụ, giống đu đủ lùn Thái Lan có thể cho thu hoạch trên 25 – 30 triệu đồng/1.000 m2/năm.

Mô hình trồng xen chanh dây trong vườn cao su

Mô hình này được triển khai tại xã Lộc An – Lộc Ninh – Bình Phước. Nếu một 1 ha trồng mật độ 5 x 5 m, chi phí đầu tư giống khoảng 20 triệu đồng, cộng với tiền trụ, dây thép và phân bón. Với giá bán khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg, từ lứa thứ ba trở đi, mỗi ha chanh dây trồng xen thu được trên 50 triệu đồng/lứa, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng hơn 30 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng xen mía trong vườn cao su

Mô hình này hiện đang được triển khai tại tỉnh Bình Dương. Giữa 2 công ty CP Cao su Phước Hòa với Công ty CP Mía đường Thành Thành Công – Tây Ninh.

Với tổng diện tích cho thuê là 700 ha đất cao su tái canh sau 4 – 5 tháng để trồng mía với đơn giá 2 triệu đồng/ha/năm bắt đầu từ vụ 2015 – 2016. Cây mía được trồng với khoảng cách 2 m với cây cao su. Dự kiến năng suất mía không tưới trên vùng cao su khoảng 60 tấn/ha.

Mô hình trồng keo lai xen trong vườn cao su

Được triển khai năm 2012, tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Nin. Tới nay đã có 23,76 ha cây keo lai và cao su được trồng xen cùng lúc trong vườn cao su của Nông trường 7 với mục đích thí điểm cây chắn gió.

So sánh cho thấy, cùng thời gian trồng nhưng cây keo lai có kích thước vượt trội hơn cây cao su. Mỗi cây keo lai có đường kính bình quân từ 15 – 20 cm, chiều cao đạt trên 5 m. Trong khi đó, cây cao su cùng lứa chỉ đạt bình quân đường kính khoảng 8 – 10 cm. Công ty Cao su Lộc Ninh cũng xây dựng chu kỳ thu hoạch của keo lai trồng xen là 4 năm.

Keo lai là loại cây ưa sáng, sinh trưởng tốt trên tầng đất dày với lượng mưa trung bình khoảng 1.500 mm/năm và độ cao 500 m so với mực nước biển. Với loại đất xấu ít màu mỡ nhưng cây vẫn phát triển tốt. Theo Viện Nghiên cứu Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, năng suất rừng trồng keo lai đạt 20 – 25 m3/ha/năm.

Công ty Cao su Lộc Ninh dự toán chi phí đầu tư 1 ha keo lai trồng xen khoảng 15 triệu đồng. Trữ lượng gỗ sau 4 năm thu hoạch khoảng 107 ster, doanh thu 42 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư và thu hoạch (cắt cưa, vận chuyển), lợi nhuận thu khoảng 15 triệu đồng/ha. Để tránh cây keo lai ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây cao su, nên trồng xen quanh bìa lô cao su hoặc chỉ trồng xen 1 hàng keo lai giữa hàng cao su kép từ năm thứ hai sau trồng cao su.

Các mô hình canh tác hỗn hợp với cây cao su

Mô hình nuôi gà thả dưới tán vườn cao su

Nuôi gà dưới tán cây cao su

Từ năm 2017, mô hình nuôi gà thả dưới tán cao su đã được thử nghiệm. Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã nghiệm thu với kết quả khá.

Sau 2 năm thực hiện đề tài trên 7 huyện thị của tỉnh Bình Phước. Giống gà nòi lai chủng JCK004 được khuyến cáo nuôi dưới tán cây cao su. Với những ưu thế về chất lượng thịt, bệnh hại.

Mô hình nuôi vịt siêu nạc trong vườn cao su

Mô hình nuôi vịt siêu nạc Grimaud đang được thực hiện tại xã Tân Phước – Đồng Phú – Bình Phước và khu vực lân cận. Trước mắt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ trồng cao su.

Mỗi năm hộ nuôi vị có thể xuất chuồng trên 24.000 con. Với lợi nhuận bình quân trên 20 triệu đồng/1.000 con thì mức thu khoảng 240 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi lợn mán dưới tán cây cao su

Nuôi lợn dưới tán cây cao su

Trồng cao su không phải chỉ để lấy mủ mà còn lấy bóng mát nuôi lợn mán. Đó là mô hình của anh Phạm Văn An ở xã Nghĩa Trung – Nghĩa Đàn – Nghệ An. Mỗi năm gia đình anh An nuôi từ 80 – 100 con lợn mán,  trung bình mỗi con nặng từ 15 – 30 kg. Với giá bán hiện tại là 120.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Mô hình nuôi ong lấy mật trong rừng cao su

Tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum tới mùa hoa cao su. Các hộ nuôi ong dựng lán trại để nuôi ong và lấy mật bên trong vườn cây cao su.

Thời gian nuôi khoảng sau 3 tháng, trung bình 80 cầu ong cho ra 30 lít mật. Trong một ngày quay, thu được hơn 700 lít mật. Mật ong từ cây cao su có màu vàng nhạt, mùi thơm và vị ngọt dịu. Với giá thành khoảng 45.000 đồng một lít.

Nuôi ong trên vườn cây cao su

Lợi ích trồng xen, canh tác tổng hợp với cây cao su

Dễ thấy nhất đó chính là lợi nhuận mang lại từ các cây trồng xen trên vườn cao su. Tận dụng được tối đa quỹ đất, nhân lực trong giai đoạn kiến thiết của cây cao su. Có nhiều mô hình trồng xen cây ngắn ngày,cây lâu năm. Cây lấy gỗ trong 9 – 10 năm trên những vườn thiết kế hàng kép. Hay đa dạng canh tác tổng hợp với cây cao su.

Tất cả với mục đích phát triển bền vững mà ngành cao su Việt Nam đang hướng tới.

GCS – Nguồn VRG

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *