Thiết kế lô tái canh trồng mới và kỹ thuật trồng cây cao su

Thiết kế lô tái canh trồng mới và kỹ thuật trồng cây cao su là bước quan trọng khởi đầu cho vườn cây cao su chất lượng. Các quy chuẩn và kỹ thuật được quy định và hướng dẫn trong Quy trình kỹ thuật cao su 2020. GCS xin lượt lại.

Một số tiêu chuẩn cần đạt

  • Lô trồng cần đảm bảo giống phù hợp với vùng miền, điều kiện khí hậu. Chi tiết bạn đọc qua cách chọn giống cao su.
  • Đảm bảo thời gian kiến thiết cơ bản theo tiêu chuẩn được VRG hướng dẫn, vườn cây sau thời gian kiến thiết cơ bản cần đạt trên 90% mật độ thiết kế, ít nhất 70% số cây đạt tiêu chuẩn mở cạo.

Thiết kế lô trồng cây cao su

Trên đất bằng phẳng

Thiết kế lô trồng cây cao su trên đất bằng phẳng cần đám ứng các tiêu chuẩn sau:

  • Mật độ trồng từ 500 – 600 cây/ha.
  • Khoảng cách hàng trồng từ 6 – 8m.
  • Khoảng cách cây trồng từ 2,5 – 3m.
  • Hàng trồng theo hướng Bắc Nam, vùng gió bão trồng theo hướng Đông Tây.

Các khoảng cách trồng phổ biến có thể áp dụng: 6m x 3m (mật độ 555 cây/ha); 7m x 2,5m (mật độ 571 cây/ha). Lưu ý không trồng mật độ cao hơn, hay thấp hơn khoảng cách tiêu chuẩn qui định về hàng, cây vì sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cao su.

Ngoài ra với yêu cầu mới nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên diện tích trồng cao su, có thể thiết kế lô cao su theo hàng kép, tận dụng trồng xen canh một số cây trồng khác. Một số thiết kế khoảng cách hàng kép phổ biến.

  • Thiết kế 10 x 5 x 2,5m (533 cây/ha): Hàng kép cách nhau 10m, hàng đơn cách nhau 5m và cây cách cây 2,5m.
  • Thiết kế 10 x 6 x 2,5m (500 cây/ha): Hàng kép cách nhau 10m, hàng đơn cách nhau 6m và cây cách cây 2,5m.
  • Thiết kế 12 x 6 x 2m (555 cây/ha): Hàng kép cách nhau 12m, hàng đơn cách nhau 6m và cây cách cây 2m.
  • Thiết kế 14 x 5 x 2m (526 cây/ha): Hàng kép cách nhau 14m, hàng đơn cách nhau 5m và cây cách cây 2m.
  • Thiết kế 14 x 6 x 2m (500 cây/ha): Hàng kép cách nhau 14m, hàng đơn cách nhau 6m và cây cách cây 2m.
  • Thiết kế 15 x 5 x 2m (500 cây/ha): Hàng kép cách nhau 15m, hàng đơn cách nhau 5m và cây cách cây 2m.
Vườn cây cao su trồng xen
Vườn cây cao su trồng xen Mè đen

Trên đất có độ dốc < 30 độ

Các tiêu chuẩn trên đất dốc giống với trên đất bằng phẳng, tuy nhiên có những điểm khác dưới đây:

  • Mật độ thiết kế đất dốc < 15 độ là 7m x 2,5m (571 cây/ha).
  • Đất dốc trên 15 độ là 8m x 2,5m (500 cây/ha).
  • Khoảng cách hàng có thể dao động trong 1m và cây với cây là 0,5m.

Chi tiết cách thiết kế lô trên đất dốc bạn có thể đọc tại Quy trình kỹ thuật theo link https://vnrubbergroup.com/chuyen-nganh-cao-su

Tiêu chuẩn thời gian kiến thiết cơ bản (KTCB)

Thời gian kiến thiết cơ bản

Thời gian KTCB là rất quan trọng trong tái canh trồng mới cây cao su. Đây là thời gian bạn chỉ đầu tư chăm sóc cho vườn cây mà không có thu hoạch. Và nó cũng rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, giai đoạn khai thác sau này.

Đất trồng cao su là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời gian KTCB. Cụ thể đất trồng cao su được phân thành 3 hạng I, II và III theo các tiêu chuẩn vùng sinh thái phù hợp với cây cao su chi tiết bạn có thể đọc tiêu chuẩn phân hạng đất trồng cây cao su.

Chuẩn bị đất trồng cây cao su
Đất trồng tái canh cây cao su

Thời gian KTCB của vườn cao su tính từ năm trồng được quy định tuỳ theo mức độ thích hợp của vùng đất canh tác, cụ thể như sau:

Đông Nam bộ

  • Đất hạng I: 6 – 7 năm.
  • Đất hạng II: 7 – 8 năm.
  • Đất hạng III: 8- 9 năm.

Tây Nguyên < 600m, Campuchia, Nam Lào và Bình Thuận

  • Đất hạng I: không có.
  • Đất hạng II: 7 – 8 năm.
  • Đất hạng III: 8 – 9 năm.

Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc, Tây nguyên > 600m và Trung Lào

  • Đất hạng I: không có.
  • Đất hạng II: 8 – 9 năm.
  • Đất hạng III: 9 – 10 năm.

Tiêu chuẩn vườn cây năm thứ nhất cần đạt

Thời điểm kiểm kê thường bắt đầu vào mùa rụng lá của cây cao su (tháng 11 – 12 hàng năm). Sau kiểm kê vườn cây của bạn phải đạt các chỉ tiêu sau:

  • Vườn trồng bằng tum bầu hoặc bầu có tầng lá: cây sống trên 98% và trên 80% cây có 4 tầng lá trở lên.
  • Vườn trồng tum bầu có 4 – 5 tầng lá: cây sống trên 98% và trên 80% cây có chiều cao 2 m trở lên.
  • Trồng tum trần: cây sống trên 95% và trên 80% cây có 3 tầng lá trở lên, riêng các vùng có thời vụ trồng mới vào tháng 9 – 11, cây phải đạt 1 – 2 tầng lá.

Tiêu chuẩn vanh thân hàng năm

Vanh thân là chu vi thân cây cao su đo tại vị trí cách mặt đất 1,0 m vào thời điểm kiểm kê cuối năm phải đạt mức quy định như sau:

Tiêu chuẩn vanh thân thời gian KTCB cây cao su
Tiêu chuẩn vanh thân thời gian KTCB cây cao su

Vườn cây cao su hết thời gian kiến thiết cơ bản phải có tỷ lệ cây hữu hiệu đạt trên 90% mật độ thiết kế, trong đó có ít nhất 70% số cây đạt tiêu chuẩn mở cạo.

Hướng dẫn, kỹ thuật trồng cây cao su

Đào hố, bón lót

Hố trồng cây cao su có kích thước dài 60 cm, rộng 60 cm, sâu 60 cm, đáy hố rộng 50 cm x 50 cm. Hiện nay được đào chủ yếu bằng cơ giới. Trồng cây theo đường đồng mức, tâm hố đào cách taluy âm tối thiểu 1 mét.

Bón lót mỗi hố 300g phân lân nung chảy, từ 5kg – 10 kg phân hữu cơ thường là phân hữu cơ vi sinh, phân bò hoai mục. Lấy lớp đất mặt lấp khoảng nửa hố, sau đó trộn đều phân hữu cơ, phân lân với lớp đất mặt xung quanh để lấp đầy hố. Lưu ý chỉ trồng cây ít nhất sau 15 ngày sau lấp hố.

Thời vụ trồng mới cây cao su

Lưu ý trồng đúng thời vụ, chọn thời điểm thời tiết thuận lợi, đất đủ độ ẩm.

  • Đông Nam Bộ, Bình Thuận, Tây Nguyên, Tây Bắc, Lào và Campuchia: trồng từ 15/5 đến 15/8.
  • Bắc Trung Bộ và Đông Bắc: trồng từ 01/2 đến 15/4.
  • Duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên – Huế trở vào đến Ninh Thuận: trồng từ 15/9 đến 30/11.

Thời gian trồng dặm vườn cây cao su được thực hiện trong thời vụ nêu trên và kéo dài tối đa 1 tháng sau thời vụ trồng.

Lựa chọn giống cao su đúng tiêu chuẩn

Lựa chọn giống cao su phù hợp với vùng trồng theo cơ cấu giống cao su gia đoạn 2016 – 2020.

Cây giống cao su mang trồng cần đạt tiêu chuẩn dưới đây:

  • Đối với tum trần: Tum có đường kính đo cách mặt đất 10 cm từ 15 mm trở lên đối với trồng trực tiếp và 12 mm trở lên đối với sử dụng làm tum bầu có tầng lá. Tum không bị dập, tróc vỏ, rễ cọc thẳng, mắt ghép sống và tiếp hợp tốt. Tum chuyển từ nơi khác đến phải bảo đảm thời gian không quá 7 ngày sau khi bứng và được bảo quản tốt khi vận chuyển. Sau khi xử lý để trồng, rễ cọc dài ít nhất 40 cm tính từ cổ rễ.
  • Đối với bầu có tầng lá: Tốt nhất trồng bầu từ 1 – 2 tần lá ổn định, khỏe, không bệnh, cây không long gốc và rễ cọc bên ngoài túi bầu.

Cách trồng cây cao su vào hố

Trồng tum:

  • Hạn chế trồng tum, nhất là vùng có ảnh hưởng của rét hại (Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc). Không trồng tum tại vùng đất rừng khộp.
  • Tum chuyển từ xa đến cần được xử lý lại với hỗn hợp hồ rễ, xếp đứng tum trong hố giữ ẩm. Ch n cây có mắt ghép nứt mầm trồng trước.
  • Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ, rễ cây quanh hố, dùng cuốc móc đất ngay điểm trồng sâu từ 15 cm đến 20 cm. Dùng cây xăm nhọn chọc lỗ sâu bằng chiều dài rễ tum. Đặt tum thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất. Dùng cây xăm ém chặt đất vào đuôi rễ tum. Lấp hố lại bằng phần đất vừa lấy lên và dậm kỹ để đất bám chặt vào rễ tum. Sau cùng, xới đất tạo bồn quanh gốc tum, phủ đất ngang mí dưới mắt ghép.

Trồng bầu cắt ngọn và bầu có tầng lá

  • Trước khi trồng cần d n sạch cỏ, rễ cây… xung quanh hố, sau đó dùng cuốc móc đất ngay điểm trồng trong hố vừa lớn hơn bầu đất và sâu tương ứng với chiều cao bầu.
  • Dùng dao bén (sắc) cắt sát đáy bầu và phần rễ cọc nhú ra khỏi bầu. Trường hợp rễ cọc bị xoắn ở trong bầu thì phải cắt hết phần rễ xoắn.
  • Đặt bầu vào hố cho thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất.
  • Rạch túi bầu PE theo đường thẳng đứng rồi kéo nhẹ túi bầu lên. Kéo túi bầu tới đâu thì lấp đất để nén chặt bầu tới đó. Chú ý tuyệt đối không làm bể bầu.

Trồng tum bầu có tầng lá

  • Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ, rễ cây quanh hố. Sau đó dùng cuốc móc đất ngay điểm trồng tạo hố trồng vừa lớn hơn bầu đất và sâu tương ứng với chiều cao bầu.
  • Khi cắt đáy bầu tránh phạm vào rễ cọc tum (rễ gốc tum cắm). Đặt bầu thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất. Rạch túi bầu PE theo đường thẳng đứng từ dưới lên, vừa lấp đất vừa kéo túi bầu và dậm quanh đến khi đầy hố.
  • Không dậm sát gốc để tránh bể bầu đất. Sau cùng, xới đất tạo bồn quanh gốc, phủ đất ngang mí dưới mắt ghép
  • Nếu trồng bầu có tầng lá trên đất dốc, nên trồng sâu cách mặt đất 5 cm để tránh xói mòn và hiện tượng chân voi. Với cây con có 4 – 5 tầng lá, sử dụng cây chống để tránh ngã, đổ sau khi trồng.

Trồng dặm

Trồng dặm định hình vườn cây ngay trong năm thứ nhất, chậm nhất là năm thứ hai. Trồng dặm bằng cây con đúng giống và có mức sinh trưởng tương đương với cây trên vườn.

Trồng dặm trong năm thứ nhất

  • Đối với vườn trồng tum, trồng dặm lần thứ nhất những cây chết và cây có mắt ghép chết sau khi trồng 1 tháng, trồng dặm lần thứ hai những cây chết và cây mắt ngủ sau khi trồng 2 tháng.
  • Đối với vườn trồng bằng tum bầu có tầng lá, trồng dặm cây chết sau khi trồng hai mươi ngày. Dùng tum bầu có hai tầng lá ổn định trở lên để trồng dặm.
  • Số lượng cây giống cần được chuẩn bị để trồng dặm so với số lượng cây trồng mới trong năm thứ nhất là: 10% đối với phương pháp trồng bầu và tối đa 25% đối với phương pháp trồng tum.

Trồng dặm trong năm thứ hai: bằng bầu hoặc tum bầu có trên 3 tầng lá. Số lượng cây chuẩn bị dự kiến là 5% hoặc theo kết quả kiểm kê cuối năm thứ nhất để chuẩn bị đủ cây trồng dặm vào đầu vụ trồng mới.

Thiết kế hệ thống mương tiêu chống úng

Nguyên tắc của mương tiêu chống úng

Tùy theo đặc điểm khí hậu từng vùng, việc bố trí hệ thống mương tiêu chống úng cho vườn cây cao su. Mục đích chống úng, tiêu nước đồng thời chống sói mòn. Thiết kế và bố trí mương tiêu chống úng dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Tận dụng các hệ thống khe suối tiêu tự nhiên, bàu trũng sẵn có làm hệ thống mương tiêu để giảm vốn đầu tư.
  • Mương tiêu chính bố trí ở vị trí thấp nhất và phải có sự liên kết với hệ thống thoát thuỷ tự nhiên bên ngoài để có thể tiêu tự chảy cho cả vùng.
  • Mương tiêu nhỏ cấp nước tự chảy cho mương tiêu lớn hơn, và trên từng cấp mương tiêu, đầu nhận nước phải cao hơn đầu thoát nước.
  • Hoàn chỉnh hệ thống mương tiêu chậm nhất vào cuối năm thứ hai. Trên từng lô cao su, nếu có các diện tích úng cục bộ, cần khơi dòng, đào rãnh dẫn nước ứ đ ng về các mương tiêu gần nhất.

Phân cấp mương tiêu chống úng

Hệ thống mương tiêu chống úng trên vùng trồng cây cao su được chia làm 4 cấp như sau:

  • Mương tiêu cấp 1 (T1): đây là mương tiêu chính có kích thước lớn nhất còn được g i là trục tiêu được bố trí nơi có dòng chảy tự nhiên như hợp thuỷ, khe, suối. Mương tiêu cấp 1 phục vụ thu nước trên một khu vực trồng cao su, đổ ra sông, suối, hồ lớn nằm bên ngoài.
  • Mương tiêu cấp 2 (T2): còn được g i là các nhánh tiêu, là các mương tiêu được đào sát bên ngoài bìa lô, song song với hàng cây cao su, thu nước từ các mương tiêu cấp 3 đổ ra, thoát xuống trục tiêu, các mương tiêu cấp 2 được bố trí theo dạng xương cá và so le hai bên trục tiêu.
  • Mương tiêu cấp 3 (T3): các mương tiêu đào sát bên ngoài bìa lô, thẳng góc với hàng cây cao su, thu nước từ 1 – 2 lô cao su từ mương tiêu cấp 4 đổ ra, thoát xuống mương tiêu cấp 2.
  • Mương tiêu cấp 4 (T4): là các mương tiêu nhỏ nhất, được đào bên trong lô cao su, song song và nằm giữa hai hàng cây, thu nước trực tiếp trên lô cao su, đổ ra mương tiêu cấp 3.

Kích thước mương tiêu chống úng

Thiết kế mương tiêu chống úng cho vườn cây theo bảng sau:

Cấp mương Chiều sâu (m) Chiều rộng đáy (m)  Chiều dài tối đa (m) Khoảng cách tối đa giữa 2 mương (m)
T1 1,2 1,2
T2 0,9 – 1,1 0,9 – 1,1 1000 1000
T3 0,8 – 1,0 0,8 – 1,0 1000 500
T4 0,7 – 0,9 0,7 – 0,9 Theo hàng cao su 5 – 10 hàng cao su

Theo Quy Trình Kỹ Thuật Cây Cao Su – VRG 2012

Tóm lượt

Trong thiết kế và trồng mới cây cao su cần lưu ý

  • Mùa vụ trồng mới cây cao su.
  • Hạng đất, vùng trồng, thiết kế, cây giống.
  • Đảm bảo chăm sóc cây cao su đạt chuẩn vanh thân KTCB.

Mọi thắc mắc hay yêu cầu góp ý, vui lòng để lại bình luận. GCS sẽ trả lời các bạn trong vòng 72h.

GCS – Tổng Hợp

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *