Bệnh Botryodiplodia trên cây cao su

Phòng trị bệnh Botryodiplodia trên cây cao su

Bệnh Botryodiplodia (Botry) gây hại chủ yếu trên thân vỏ và hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây cao su. Bệnh ở mức nặng (cấp 4 trở lên) sẽ làm giảm sản lượng đến 20 – 30% cho vườn cây kinh doanh. Bệnh nặng trong thời gian dài sẽ làm cây khô mặt cạo hoàn toàn. Do đó cần các biệt pháp phòng trị kịp thời khi phát hiện bệnh.

Triệu chứng và cách nhận biết bệnh

  • Bệnh Botry do nấm Botryodiplodia theobromae Pat gây nên. Xuất hiện gây hại hầu hết các giai đoạn sinh trưởng và phổ biến tại các vùng trồng cao su tại Việt Nam.
  • Nấm bệnh chủ yếu hoạt động vào mùa mưa, ngoài gây hại cho cây cao su, nó còn gây hại hơn 500 loài khác nhau chủ yếu là cây thân gỗ.
  • Bệnh làm giảm tỷ lệ ghép sống, chết cây con, chậm sinh trưởng. Bệnh ở mức nặng (cấp 4 trở lên) sẽ làm giảm sản lượng đến 20 – 30% cho vườn cây kinh doanh. Bệnh nặng trong thời gian dài sẽ làm cây khô mặt cạo hoàn toàn.

Triệu chứng bệnh Botryodiplodia

Vị trí bệnh chủ yếu trên chồi, cành và thân có vỏ từ xanh đến hóa nâu. Triệu chứng thay đổi tùy giai đoạn vườn cây.

Bệnh Botryodiplodia trên cây cao su
Bệnh Botryodiplodia trên cây cao su
  • Vườn tum trần: trên gốc ghép xuất hiện những nốt mụn nhỏ sau đó liên kết lại với nhau làm vỏ sần sùi, ít nhựa và khó bóc vỏ khi ghép gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Bệnh xuất hiện tại vị trí mắt ghép, bắt đầu vào thời điểm mở băng, gây ra hiện tượng chết lại mắt ghép.
  • Tum bầu và vườn tái canh – trồng mới: bệnh xuất hiện trên chồi có triệu chứng ban đầu với vết lõm có màu sậm đen, sau đó lan rộng và chết khô toàn bộ, vỏ bị chết xuất hiện những đốm nhỏ màu đen chứa nhiều bào tử. Phần gỗ bị chết có màu trắng với những vân nhỏ màu nâu đen, vỏ chết khó tách khỏi gỗ.
  • Vườn nhân: xuất hiện những nốt mụn nhỏ trên vỏ xanh nâu, sau đó liên kết lại với nhau làm khó bóc vỏ khi ghép làm giảm tỷ lệ ghép sống.
  • Vườn cây KTCB (1 – 2 năm tuổi trên vỏ xanh nâu): trên chồi xuất hiện vết nứt có dạng hình thoi sau đó phát triển theo hướng lên trên và xuống dưới. Tại vết bệnh có hiện tượng mủ rỉ ra sau đó bị hóa đen, phần vỏ và gỗ bị khô và xốp. Khi vết bệnh lan rộng, tán lá non sẽ khô và héo rũ nhưng không rụng, trên phần vỏ bị chết xuất hiện những đốm có màu nâu đen. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Mức độ gây hại rải rác hay tập trung 10 – 15 cây/điểm.
  • Vườn cây từ 3 năm tuổi trở lên (vỏ hóa nâu) và vườn cây kinh doanh: ban đầu xuất hiện những nốt mụn nhỏ 1 – 2 mm rải rác, sau đó các nốt mụn liên kết lại thành từng cụm với diện tích 4 – 5 cm2 hoặc lan ra toàn bộ thân cành.
  • Cây bị nhiễm bệnh nặng làm biểu bì dày lên do nhiều lớp tạo thành, bong tróc ra khỏi vỏ. Lớp vỏ cứng và vỏ mềm trở nên cứng và dày hơn, sau đó xuất hiện những vết nứt, đôi khi có mủ rỉ ra và bên dưới không có đệm mủ. Vết nứt trên vỏ cây cao su do bệnh diễn biến rất chậm, chủ yếu theo hướng từ ngoài vào trong.
  • Cây chậm phát triển, vỏ nguyên sinh bị u lồi, bề mặt gồ ghề nên không thể mở cạo hoặc có thể gây chết cây. Nấm bệnh cũng thường xâm nhập qua các vết nứt trên thân (do các nguyên nhân khác gây ra), tấn công vào bên trong phá hủy tượng tầng và làm thối vỏ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và sản lượng mủ.

Cách phòng trị bệnh

Nhận diện đúng bệnh để có biện pháp phòng trị chính xác, cần phân biệt rõ và tránh nhầm lẫn với hiện tượng nứt vỏ hoặc bong tróc vỏ do các nguyên nhân khác gây ra như khô mặt cạo sinh lý, cháy nắng, sét đánh, rét hại hoặc khô hạn kéo dài,…

Chú ý chỉ phun thuốc trị bệnh trong mùa mưa, đối với vườn cây KTCB và vườn kinh doanh, chỉ phun thuốc trị cây bệnh khi vườn cây có trên 50% số cây nhiễm bệnh cấp 2 trở lên. Những cây bị bệnh cấp 4 trở lên khi phát hiện thì xử lý ngay.

  • Vườn ương, vườn nhân: phun phòng cho vườn ương mới ghép (tum, bầu) và cây có tầng lá bằng thuốc hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,3%, tebuconazole (Vitebu 250SC) nồng độ 0,15%, pyraclostrobin (Headline 250EC) nồng độ 0,03%. Pha thuốc với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,3%, phun 2 – 3 lần với chu kỳ cách nhau 10 – 15 ngày/lần. Cây con phải xử lý sạch bệnh trước khi đem trồng.
  • Vườn cây KTCB (1 – 2 năm tuổi trên vỏ xanh nâu): sử dụng thuốc hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,3 – 0,5%, tebuconazole (Vitebu 250SC) nồng độ 0,2%, pyraclostrobin (Headline 250EC) nồng độ 0,04%. Pha với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,5%. Dùng bình phun đeo vai xử lý 2 – 3 lần với chu kỳ 10 – 15 ngày/lần. Khi chồi bị chết, cắt nghiêng 45° dưới vết bệnh 10 – 20 cm và dùng vaselin bôi một lớp mỏng tại vị trí cắt.
  • Vườn cây từ 3 năm tuổi trở lên (vỏ hóa nâu) và vườn cây kinh doanh: sử dụng thuốc hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,5%, phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,5% – 1,0%. Dùng bình phun đeo vai xử lý 2 – 3 lần với chu kỳ 10 – 15 ngày/lần. Phun phủ kín vết bệnh. Chú ý phun kỹ độ cao 0 – 3 m từ chân voi. Ngưng cạo cây bị bệnh nặng để điều trị khỏi bệnh.

Nguồn RRIV

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *