Giá mủ cao su 2021, xuất khẩu tăng 29%, kim ngạch xuất khẩu tăng 46,5% trong 10 tháng, ngành cao su đang được xem là một trong số ít ngành may mắn nhất khi có được lợi nhuận cao trong năm nay. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su 10 tháng của năm 2021 đạt 1,49 triệu tấn, đem về 2,47 tỷ USD; tăng 13,9% về khối lượng và tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá mủ cao su 2021 đang tăng nhanh?
Nhìn về thị trường xuất khẩu cao su năm nay, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm thì xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Canada… Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 12/2021. Tuy cũng là nước trồng cao su lớn, nhưng quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.
Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn mủ cao su để bù đắp mức thiếu hụt trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. Đây được xem là yếu tố giúp giá mủ cao su xuất khẩu cao su Việt Nam duy trì mức cao trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), sau thời gian ngưng cạo mủ do dịch Covid-19, các hộ cao su tiểu điền và các công ty, nông trường quốc doanh ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh đã trở lại khai thác, khi các hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ ở những vùng xanh.
Cùng với nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các nước này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.
Giá mủ cao su 2021 trong 3 quý đầu trên cả nước không có nhiều biến động, dao động quanh mức 260-320 đồng/độ mủ. Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên nhiều nông trường quốc doanh ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh ngừng cạo mủ để thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, khi hoạt động cạo mủ và kinh doanh mủ hồi phục trở lại, đồng thời với giá dầu trên thế giới tăng, đã khiến giá mủ cao su tăng nhanh.
Đến thời điểm này (10/11) tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đồng Nai giữ ổn định ở mức 308-315 đồng/độ mủ, giá cao su Bình Phước đạt khoảng 338-340 đồng/độ mủ. Giá mủ cao su chén đầu tại Đắk Lắk được thương lái thu mua ở mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.
Trên thị trường thế giới, những tháng đầu năm 2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng cao do nhu cầu tăng và thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế thế giới sau đợt dịch năm 2020.
Tuy nhiên, sau đó liên tục sụt giảm do tình trạng thiếu container vận chuyển và các nước như: Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan phải đối mặt với tình trạng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng, làm giảm sự kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế của khu vực.
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, giá cao su trên thế giới đã đảo chiều tăng trên sàn Nhật Bản và Trung Quốc, nhờ giá dầu tăng phi mã đã kéo theo giá cao su tăng mạnh. Đến phiên ngày 9/11, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn giao dịch Osaka đã đạt mức 222,2 JPY/kg; giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đạt 13.965 CNY/kg.
Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho hay, khai thác cao su thiên nhiên trên toàn thế giới năm 2021 dự kiến là 13,86 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến là 14,166 triệu tấn. Như vậy, số liệu cho thấy thế giới sẽ thiếu hụt 240.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.
Đây là nguyên nhân chính đẩy giá cao su tăng rất mạnh trong năm nay. Ngoài ra do nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.
Doanh nghiệp cao su tăng doanh thu, tăng lãi
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng có sự chuyển biến cùng chiều với thị trường thế giới. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su được hưởng lợi. Cụ thể giá cao su xuất khẩu trong 3 quý đầu năm bình quân đạt 1.669 USD/tấn, tăng hơn 29% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản lượng mủ cao su thu hoạch suy giảm nhưng giá bán ở mức cao đã giúp các doanh nghiệp cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Quán quân tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của ngành cao su năm nay là Cao su Đồng Phú – Đăk Nông với mức tăng hơn 11 lần. Trong quý, doanh thu thuần của công ty này tăng nhẹ gần 4%, giá vốn chỉ bằng 68% cùng kỳ nên công ty này có lãi gấp 12 lần thời điểm cùng kỳ. Báo cáo tài chính quý 3 năm 2021 của Cao su Thống Nhất cho thấy lợi nhuận trong quý tăng trưởng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên ghi nhận doanh thu quý 3 đạt 265 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận sau thuế gấp 3,5 lần lên 159 tỷ đồng. Hay tại Cao su Đắk Lắk đạt doanh thu 384 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 31 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 3/2020.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, kết quả tăng trưởng chủ yếu nhờ giá bán mủ cao su tăng cao như TRC tăng 28,2%, đạt 38 triệu đồng/tấn. Với trường hợp của Cao su Phước Hòa, dù doanh thu thuần tăng 33,5%, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,8% lên 38,4%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 0,4%.
Trong khi các công ty thành viên báo doanh thu và lợi nhuận đi lên, thì Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) có doanh thu thuần gần như đi ngang cùng kỳ năm trước với 6.151 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp mức tăng chính vẫn là doanh thu từ mủ cao su đạt 4.376 tỷ đồng. Mặc dù vậy, với biên lãi gộp đạt 34%, tăng 13,7 điểm % so với cùng kỳ đã giúp GVR ghi nhận mức lãi sau thuế 1.533 tỷ đồng, tăng 29%.
Tổng giám đốc GVR cho biết với những yếu tố thuận lợi khách quan, tập đoàn sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cao su năm 2021 tốt hơn năm 2020. Nhu cầu cao su trên thị trường thế giới đang phục hồi do hầu hết các quốc gia đang đẩy mạnh sản xuất bù đắp tăng trưởng sau khi kiểm soát dịch bệnh.