Bệnh Pestalotiopsis bùng phát tại Thailand, Indonesia và Malaysia gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Dự báo sản lượng mủ cao su của Indonesia sẽ giảm 15%, và làm giảm 50% sản lượng của 16.000 ha cây cao su đang bị ảnh hưởng tại Thailand.
Bệnh Pestalotiopsis trên cây cao su
Đây là một loại bệnh lá mới bùng phát gần đây do chi nấm Pestalotiopsis gây ra. Bệnh gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng trên tán lá cây cao su. Đặc biệt trên cao su già, có thể gây rụng 90% tán lá. Ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến sản lượng mủ.
Nguyên nhân có thể do những biến đổi về khí hậu, làm bùng phát những loại bệnh hại mới trên cây cao su.
Bệnh nấm Pestalotiopsis đã bùng phát tại Thailand, Indonesia và Malaysia
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng mủ cao su
Theo hãng tin Reuters ngày 21/10/2019, bệnh Pestalotiopsis đã lan sang Thái Lan sau khi tấn công các đồn điền cao su ở nước láng giềng Indonesia và Malaysia.
Hiện tại, khoảng 382.000 ha cao su ở Indonesia, đặc biệt ở Sumatra và Kalimantan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. International Rubber Consortium (IRCo) Indonesia đã phải điều chỉnh kế hoạch dự kiến sản lượng sẽ giảm 15%.
Cơ quan quản lý cao su Thái Lan (Rubber Authority of Thailand, RAOT) thông báo bệnh đã bùng phát ở ba huyện thuộc Narathiwat, một tỉnh trồng cao su quan trọng ở miền nam Thái Lan.
Ông Krissada Sangsing, giám đốc Viện Nghiên cứu Cao su, cho biết cao su già rất mẫn cảm với bệnh. Vườn cây bị nhiễm bệnh có thể mất đến 90% lá và do đó ảnh hưởng đến khả năng sản xuất mủ của chúng. Bệnh đã tấn công khoảng 16.000 ha cao su và có nguy cơ làm giảm sản lượng đến 50% ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Ông Uthai Sonlucksub, chủ tịch Hội đồng Cao su Tự nhiên Thái Lan, cho biết nông dân trồng cao su ở miền Nam dang rất lo lắng về việc mất sản lượng trong bối cảnh giá cao su giảm dẫn đến mất thu nhập. Ông nói nó lây lan rất nhanh. Những cái cây đều trơ trụi và không thể khai thác được. Hiện Thái Lan đang cố gắng khắc phục và ngăn chặn bệnh lan rộng.
Hiện tại chưa có thông tin cụ thể về bệnh Pestalotiopsis tại Malaysia.
Ba quốc gia Thailand, Indonesia và Malaysia hiện chiếm khoảng 70% sản lượng cao su tự nhiên của thế giới. Trong đó Thái Lan là nhà sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, chiếm tới 40% nguồn cung cao su toàn cầu. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng chắc chắn nguồn cung cao su tự nhiên sẽ giảm.
Cảnh báo tại Việt Nam
Một điều may mắn, là hiện tại không phát hiện bệnh Pestalotiopsis trên diện tích cao su Việt Nam.
Các cá nhân, đơn vị nếu phát hiện vườn cây có lá rụng nhiễm bệnh với những triệu chứng tương tự như trong hình minh họa đi kèm, vui lòng chụp ảnh và gởi email về ban Quản lý Kỹ thuật tập đoàn ([email protected]) hoặc Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam ([email protected]) để kiểm tra xác nhận.
GCS