Phòng trị bệnh rụng lá Corynespora trên Cây cao su

Bệnh rụng lá Corynespora bên cạnh bệnh phấn trắng là một trong những loại bệnh lá nguy hiểm trên Cây cao su. Gây thiệt hại rất lớn trên vườn cây cao su khai thác cũng như vườn kiến thiết cơ bản.

Triệu chứng và cách nhận biết bệnh rụng lá corynespora

  • Tác nhân bệnh là do nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei.
  • ​Bệnh gây hại trên mọi giai đoạn sinh trưởng của cây và diễn ra quanh năm.
  • Vùng trồng Đông Nam bộ có 2 giai đoạn cao điểm bệnh là cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 và cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 hàng năm.
  • ​Tác hại trên cây cao su đặc biệt nghiêm trọng ở các giống cao su mẫn cảm (RRIV 3, RRIV 4).
  • Nấm tấn công lá và chồi, làm chết cây con vườn ương, giảm tỷ lệ mắt ghép hữu hiệu của vườn nhân.
  • Bệnh có thể gây rụng lá hàng loạt nhiều lần, làm giảm sinh trưởng, năng suất, nếu bệnh nặng kéo dài sẽ gây chết cây trên vườn KTCB và kinh doanh.

​Triệu chứng bệnh

Xuất hiện trên lá, cuống lá và chồi với những triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào tuổi lá và tính mẫn cảm của dòng vô tính

Trên lá

  • Vết bệnh có hình tròn màu xám đến nâu với viền vàng xung quanh, trung tâm vết bệnh đôi khi hình thành lỗ.
  • Lá non bị hại xoăn lại biến dạng sau đó sẽ bị rụng.
  • Ở một số dòng vô tính, lá bệnh có triệu chứng đặc trưng với vết màu đen dạng xương cá dọc theo gân lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi các vết lan rộng gây chết từng phần lá, sau đó lá đổi màu vàng – vàng cam và rụng từng lá một.
Bệnh Corynespora Trên Cây Cao Su
Bệnh Corynespora trên lá cao su

Trên chồi và cuống lá

  • Vết nứt dọc theo chồi và cuống lá dạng hình thoi, có mủ rỉ ra sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, chết cả cây.
  • Trên gỗ có sọc đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên cuống lá có vết nứt màu đen chiều dài 0,5 – 3,0 mm. Nếu cuống lá bị hại, toàn bộ lá chét bị rụng khi còn xanh dù không có một triệu chứng nào xuất hiện trên phiến lá.

Phòng và trị bệnh

  • Sử dụng thuốc có các hoạt chất sau: tebuconazole (Vitebu 250SC) nồng độ 0,05% – 0,06%, hexaconazole (Hexin 5SC, Anvil 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,2%; pyraclostrobin (Headline 250EC) nồng độ 0,02%. Pha thuốc với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2%.
  • Đối với vườn nhân, vườn ương và vườn cây KTCB: Phun thuốc phủ đều chồi lá non, với chu kỳ 7 – 10 ngày/lần vào lúc trời mát (buổi sáng).
  • Đối với vườn kinh doanh: phun thuốc trị khi phát hiện bệnh ở mức nhẹ (cấp 1 – 2) và có 3% – 5% lá non rụng do nhiễm bệnh.
  • Tại vùng Đông Nam Bộ, với vườn cây dvt RRIV 3 và RRIV 4 có năng suất cao và thường xuyên nhiễm bệnh, thực hiện phun phòng vào giai đoạn tháng 5 – 6 hoặc tháng 8- 9 hàng năm khi bệnh tái phát.
  • Nên xử lý tương tự với những lô liền kề trồng cùng giống. Sử dụng máy phun cao áp phun ướt toàn bộ tán lá, chồi non. Phun vào buổi sáng sớm và ngưng khi trời bắt đầu nắng gắt (10:00 – 10:30), phun 2 – 3 lần, chu kỳ 7 – 10 ngày/lần.
  • Trong trường hợp bệnh nặng phải giảm cường độ cạo hoặc tạm ngừng thu hoạch mủ.
  • Đảm bảo bón phân đầy đủ theo quy trình, những nơi có điều kiện có thể bón tăng lượng phân kali 25% so với quy trình để cây tăng sức chống chịu bệnh.
  • Thường xuyên kiểm tra vườn cây, đặc biệt khi thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn, vì đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát. Đối với những vườn cây có tiền sử bệnh nặng nên thu gom thiêu hủy tàn dư mang mầm bệnh (lá, cành nhỏ) vào mùa rụng lá hàng năm.

Tóm lượt

Do là bệnh lá nguy hiểm trên cây cao su nên các bạn cần chủ động phòng tránh

  • Lựa chọn giống cao su kháng bệnh, ít mẫn cảm.
  • Chủ động phòng trị khi tới mùa dịch hoặc cây mới có triệu chứng nhẹ.

Chúc các bạn thành công. Mọi thắc mắc hay đóng góp ý kiến vui lòng để lại bình luận. Chúng tôi sẽ trả lời trong 72h.

GCS – Tổng hợp từ RRIV

1 bình luận trong “Phòng trị bệnh rụng lá Corynespora trên Cây cao su”

  1. Bênh đốm tròn trên lá cao su. Tái bệnh nhiều năm ở VC khai thác năm thứ 3, với giống PB 260, khi thời tiết mưa nhiều độ ẩm cao. Trước khi vào đầu mùa mưa đã chủ động xịt phòng nhưng vẩn bị và rụng lá phải nghỉ cạo. Xin chuyên gia cho biết cách phòng, trị hiệu quả. Bệnh thường xuất phát từ bìa đường lô và nhiểm ở tầng lá thứ 2 trở xuống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *