Giá cao su trên sàn Tokyo tiếp đà tăng trưởng. Bên cạnh đó là thông tin về thị trường 1,1 triệu tấn cao su tại Chiết Giang đầy hấp dẫn doanh nghiệp Việt.
Thị trường cao su ngày 16/12/2019 trên đà tăng
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su ngày 16/12/2019 kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 1,5 JPY tương đương 0,8% lên 202,5 JPY (1,86 USD)/kg, do Washington và Bắc Kinh tiến gần hơn đến việc chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 17 tháng.
Cả hai quốc gia đã ký thỏa thuận “giai đoạn 1” nhằm giảm thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, đổi lại nước này đẩy mạnh mua sản phẩm nông nghiệp và các hàng hóa khác của Mỹ.
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Thượng Hải kết thúc giao dịch đêm giảm 1,1% xuống 13.125 CNY (1.865 USD)/tấn.
Dự trữ cao su tại kho ngoại quan Thượng Hải giảm 4,3% so với tuần trước đó.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất gần 3 tháng do các nhà đầu tư lạc quan về tiến triển trong tranh chấp thương mại và kết quả cuộc bầu cử tại Anh.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản giảm 0,1% sau khi chứng khoán phố Wall kết thúc thay đổi nhẹ trong ngày thứ sáu (13/12/2019), trong phiên đạt mức cao kỷ lục sau báo cáo về thỏa thuận thương mại ban đầu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng USD ở mức khoảng 109,38 JPY so với khoảng 109,56 JPY trong ngày thứ sáu (13/12/2019).
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn SICOM tăng 0,3% lên 147,7 US cent/kg
Chiết Giang (Trung Quốc) với nhu cầu hơn 1,1 triệu tấn mỗi năm
Nhu cầu cao su tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) dự báo lên đến hơn 1,1 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên từ trước tới nay, doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để thị trường tiềm năng này.
Thông tin từ Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Bộ Công Thương) cho biết ngày 11/12, Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội cao su Việt Nam tổ chức đoàn doanh nghiệp chế biến cao su xuất khẩu sang khảo sát thị trường và tổ chức “Diễn đàn giao thương các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cao su Việt Nam – Trung Quốc (Chiết Giang) 2019”.
Ông Chen Xiao Yu, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp cao su, cho biết nhu cầu và sản lượng nhập khẩu hàng năm của các doanh nghiệp cao su vào khoảng hơn 1,1 triệu tấn. Chỉ tính riêng Công ty tập đoàn cao su Trung Sách nhu cầu nhập khẩu hàng năm từ 700.000 – 1 triệu tấn cao su.
Bên cạnh đó, gần 20 công ty sản xuất băng tải chịu nhiệt, băng tải và các chế phẩm từ cao su mỗi doanh nghiệp đang nhập khẩu từ 5.000 – 15.000 tấn cao su mỗi năm.
Đại diện các doanh nghiệp cao su Chiết Giang, tập đoàn cao su Trung Sách cho biết hiên nay phía công ty đang nhập khẩu từ Việt Nam mỗi năm từ 300.000 – 400.000 tấn.
Tuy nhiên từ trước tới nay chủ yếu thông qua các đối tác trung gian, nhập khẩu từ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, lẻ của Việt Nam, điều này cũng một phần nào ảnh hưởng tới tính ổn định về chất lượng sản phẩm, đôi khi đối tác Việt Nam không thực hiện đúng cam kết như Hợp đồng kí kết.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam, nhìn nhận: “Không nghĩ rằng nhu cầu và dung lượng thị trường cao su Chiết Giang lại lớn như vậy”.
Theo ông Thuận sản lượng cao su Việt Nam hàng năm khoảng 1,1 triệu tấn, trong đó các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội chiếm 1/2 sản lượng và diện tích trồng cao su trong và ngoài nước. Số còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khối doanh nghiệp tư nhân.
Thông qua diễn đàn các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự, làm ăn chân chính có cơ hội, điều kiện gặp gỡ lẫn nhau, trao đổi thông tin về nhu cầu sản phẩm, thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác tin cậy. Đặc biệt, sau diễn đàn, Hiệp hội sẽ có những chỉ đạo tích cực để các doanh nghiệp tập trung, chú trọng hơn nữa vào Chiết Giang.
Ngoài ra, ông Trần Ngọc Thuận cho biết sẽ báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương, kiến nghị Bộ Công Thương từ năm 2020 hỗ trợ quảng bá cho ngành cao su Việt Nam từ 3 tới 5 năm tại Trung Quốc nhằm đưa sản phẩm cao su Việt Nam phát triển thương hiệu bền vững tại đây.
GCS – Cập nhật https://vietnambiz.vn