Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các tỉnh phía nam thủ phủ của cây cao su đang thực hiện các mức độ giản cách khác nhau. Giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang năm 2022 đang ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu cao su thiên nhiên.
- Tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka giao dịch ở mức 195,3 Yen/kg, tăng 2,3 Yen so với phiên giao dịch trước đó.
- Kỳ hạn tháng 10/2021 đạt mức 199,0 Yen/kg, tăng 2 Yen so với phiên giao dịch trước đó; kỳ hạn tháng 11/2021 đạt mức 204,4, tăng 2,7 Yen so với phiên giao dịch trước đó.
- Giá cao su Nhật Bản tăng do các nhà đầu tư săn giá hời sau khi giá giảm trong tháng thứ 3, lấn át những dấu hiệu hoạt động sản xuất của châu Á mất đà trong tháng 8/2021.
- Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2021 ghi nhận mức 12.995 Nhân dân tệ/tấn, tăng 120 Nhân dân tệ so với phiên giao dịch trước đó.
- Kỳ hạn tháng 10/2021 ở mức 12.955 Nhân dân tệ/tấn, tăng 95 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó, kỳ hạn tháng 11/2021 ở mức 12.945 Nhân dân tệ/tấn, tăng 95 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó.
- Giá mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua giao động quanh mức 290 – 310 đồng/độ mủ ở Đông Nam bộ.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022 sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các nước này đang dần hồi phục do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2021 đang bị ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng bởi công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch…
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn chuỗi của ngành cao su nước ta, không chỉ hàng loạt nhà máy sơ chế, chế biến cao su phải cắt giảm sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, mà nông dân trồng cao su tiểu điển ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh cũng phải tạm ngừng thu hoạch mủ cao su vì giãn cách xã hội.
Tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có diện tích cao su tiểu điền hàng chục nghìn ha, hiện hàng nghìn hộ trồng cao su tiểu điền tâm lý nóng ruột vì cao su đang giữa mùa khai thác mủ, nhưng không thể thu hoạch do chính quyền yêu cầu mọi người dân phải ở nhà.
Huyện Đồng Phú là một trong các địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 của tỉnh Bình Phước, tập trung ở các xã Tân Hòa, Tân Lập và Tân Lợi và ổ dịch ở ấp Đồng Tân (xã Tân Hòa) phức tạp nhất với hàng chục ca mắc Covid-19, hàng trăm người dân đang phải cách ly tại nhà. UBND huyện Đồng Phú buộc phải yêu cầu dừng việc thu mua, cạo mủ cao su của các hộ tiểu điền.